LED và OLED: cuộc chiến công nghệ chưa đến hồi kết

LED và OLED đang được nhắc đến như những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất trong ngành sản xuất TV, giúp tạo ra những sản phẩm TV với nhiều ưu điểm hơn hẳn các TV màn hình phẳng thế hệ trước.

LED và OLED - kẻ tám lạng người nửa cân

So với TV LCD có đèn nền sử dụng bóng flourescent truyền thống, TV LCD LED (sử dụng đèn nền LED - Light Emitting Diode, gọi tắt là TV LED) có độ sáng, góc nhìn tốt hơn và tuổi thọ cao hơn.

Với công nghệ LED, nhà sản xuất có thể bố trí hệ thống đèn edgelight theo các khung viền của màn hình chứ không dàn trải theo bề mặt tấm hiển thị như đa số màn hình LCD dùng đèn huỳnh quang CCFL.

Nhờ thế, màn hình TV LED luôn mỏng hơn so với màn hình TV LCD thông thường. Điển hình, chiếc TV LED series B7000 của Samsung có độ dày chỉ 29,9mm, mỏng hơn 30% so với chiếc TV LCD mỏng nhất Việt Nam năm 2008 của Samsung, và mỏng hơn 70% so với các dòng TV LCD thông thường.

Công nghệ đèn nền LED giúp tạo ra gam màu đen sâu trong khi gam màu trắng vẫn giữ được độ sáng và sắc nét khi thể hiện cùng các gam màu khác. Ngoài ra, công nghệ này còn giúp TV LED đạt độ tương phản động cực đại (Mega Contrast), mang đến những trải nghiệm hoàn hảo hơn cho người xem.

Trong khi đa số các dòng TV LCD hiện nay chỉ đạt mức tương phản vài chục nghìn thì TV LED đã vượt ngưỡng 1.000.000:1. Đèn nền LED không sử dụng thủy ngân như đèn CCFL nên thân thiện với môi trường hơn.

Các mối hàn bo mạch của màn hình LED cũng giảm thiểu việc sử dụng chì, thay vào đó là bạc hoặc đồng, với khả năng truyền dẫn tốt hơn và ít độc hại hơn. Đèn LED cũng tiêu thụ ít điện năng hơn đèn huỳnh quang CCFL nên khả năng tiết kiệm điện hơn đến 30% so với TV LCD.
Màn hình TV LED luôn mỏng hơn so với màn hình TV LCD thông thường


Chuyên các loại den trang tri, den led, anh sang dùng cho các buổi biểu diễn hội nghị, văn nghệ

Màn OLED (Organic Light – Emitting Diode) cấu tạo từ các tấm phim mỏng làm từ các hợp chất hữu cơ. Khác với LCD dùng bóng đèn phát sáng từ phía sau, tấm phim này sẽ phát ra ánh sáng khi được cung cấp điện năng.

Trên màn hình OLED, các phân tử tự phát ra tia sáng có màu (phát màu trực tiếp) nên hình ảnh tạo ra sáng hơn và trong hơn. Trong khi ở màn LCD, ánh sáng trắng phải đi qua bộ tách màu mới tạo ra được ánh sáng có màu (phát màu gián tiếp) nên hình ảnh không nét bằng. Việc phát sáng và phát màu trực tiếp cũng giúp màn hình OLED ít tiêu hao điện hơn, mỏng hơn và có góc nhìn rộng hơn (khoảng 170°).

Đặc điểm ít tiêu hao điện của màn hình OLED đặc biệt có ý nghĩa đối với các thiết bị sử dụng pin như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chơi nhạc. Điện thoại Omnia HD và Omnia II của Samsung vừa được giới thiệu vào Quý II/2009 là những điện thoại đầu tiên được trang bị màn hình 3,7 inch sử dụng công nghệ AMOLED (Active Matrix OLED), một cải tiến dựa trên công nghệ OLED.

Tuy nhiên, OLED cũng có nhược điểm, chẳng hạn như thời gian sống của các tấm phim rất ngắn. Thêm vào đó, theo các chuyên gia, màn hình sử dụng công nghệ OLED có cấu tạo bằng nhựa dẻo nên rất dễ bị nước làm hỏng. Bên cạnh đó, vấn đề khiến nhiều người tin rằng phải mất một thời gian nữa OLED mới thực sự được phổ biến trên thị trường TV là do giá thành sản xuất còn quá cao.

Thị trường còn bỏ ngỏ?

Trên thực tế, từ khá lâu, màn hình sử dụng công nghệ OLED đã được dùng trong các thiết bị số có màn hình nhỏ như điện thoại di động, thiết bị trợ giúp cá nhân và máy ảnh kỹ thuật số.

Kodak đã dùng màn hình OLED trong máy ảnh số; Samsung, LG, Nokia… đã sử dụng OLED trong màn hình của điện thoại di động. Từ năm 2005, Samsung đã công bố phát triển được TV màn hình OLED 40 inch đầu tiên, song đến nay vẫn chưa thấy sản phẩm này được thương mại hóa, có lẽ là do giá thành sản xuất còn quá cao.

Mẫu TV OLED thương mại đầu tiên và duy nhất cho đến nay là model XEL-1 của Sony, được công bố vào tháng 10/2008. Đây là tin vui cho các “tín đồ” OLED.

Thế nhưng nhiều người tiêu dùng chắc chắn sẽ phải tần ngần đắn đo trước chiếc TV này bởi kích thước màn hình chỉ 11 inch, trong khi giá bán tại thời điểm công bố đã lên đến hơn 45 triệu đồng (2.500 USD). Cũng dễ hiểu khi chiếc TV này không được Sony giới thiệu tại Việt Nam. LG cũng tiết lộ phải đến tháng 1/2010 mới cho ra đời mẫu TV OLED, nhưng chỉ với kích thước 15 inch.

Thực tế cho thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm TV có màn hình lớn đang tăng lên. Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường DisplaySearch, thị trường tấm panel LCD TFT kích thước lớn để sản xuất TV trên toàn cầu trong tháng 6/2009 đã tăng 7% so với tháng trước và tăng đến 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xu hướng thị trường cũng cho thấy người tiêu dùng đang nói lời tạm biệt với các sản phẩm TV dưới 32 inch. Với xu hướng ưa chuộng màn hình kích thước lớn như vậy, giá thành sản xuất quá cao là lý do nhiều chuyên gia cho rằng sẽ phải mất nhiều năm nữa công nghệ OLED mới đến được tay người dùng.

Trong khi đó, công nghệ LED đã được thương mại hóa một cách nhanh chóng và đạt được những thành công kỷ lục tại Samsung. Thị trường đã có những phản hồi tích cực cho sản phẩm TV LED trong thời gian qua. Theo Samsung, đã có 500.000 chiếc TV LED được bán ra trong 100 ngày kể từ ngày đầu tiên ra mắt.

Đặc biệt tại thị trường Mỹ, số lượng TV LED Samsung bán ra chiếm đến 94,8% tổng số TV LED bán ra (theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường NPD). Tại thị trường Việt Nam, Samsung hiện đã có khá nhiều các series TV LED kích thước từ 32 đến 55 inch, với giá bán dao động từ 19 đến 129 triệu đồng. Với kích thước màn hình và mức giá bán lẻ này, TV LED hiện đang chiếm ưu thế tuyệt đối về mặt thị trường so với TV OLED.

Ngày nay, tiến bộ trong khoa học kỹ thuật và công nghệ có thể hiện thực hóa ngay cả những ước mơ bay bổng nhất của con người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thêm thời gian để những tiến bộ của công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.

Liệu công nghệ OLED có thể sớm được thương mại hóa và thị trường sẽ xuất hiện những chiếc TV màn hình OLED kích thước lớn, nâng tầm thưởng thức truyền hình của khán giả lên thêm một bậc nữa? Câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước.

  Theo vietnamnet.vn